Trong bệnh trầm cảm, nguồn gây bệnh là thay đổi sinh hóa học ở não và thay đổi này kéo dài. Vì thế cần phải uống thuốc chống trầm cảm lâu hơn, dù triệu chứng bệnh đã giảm.
Đã có không ít người nghĩ rằng triệu chứng của bệnh hết rồi thì cần gì uống thuốc nên đã tự bỏ, để rồi chính họ không giải thích được vì sao bệnh tái phát.
Chị Trần Thị Thanh, 45 tuổi, thường thấy ác mộng kèm cảm giác sợ hãi khi ngủ. Khi đi khám, bác sỹ kết luận chị bị trầm cảm và phải điều trị. Sau 12 tuần điều trị, khi tái khám, bác sỹ cho biết triệu chứng trầm cảm của chị đã hết. Nhưng bác sỹ vẫn kê thuốc kéo dài tới 20 tuần. Điều này khiến chị Thu băn khoăn vì hai lẽ. Thứ nhất, triệu chứng bệnh đã hết thì sao phải uống thuốc, phải chăng bác sỹ muốn bệnh nhân mua thuốc để kiếm lợi. Thứ hai, thuốc trầm cảm thường để lại nhiều tác dụng phụ nên chị không muốn uống kéo dài. Tin mình đã khỏi bệnh nên chị đã ngưng thuốc. Sau đó 2 tháng chị lại có những triệu chứng của bệnh.
Thuốc trầm cảm không giống kháng sinh
BS. Trần Hồng Thu, Phó khoa Lâm sàng, bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương, Hồng Mai, Hà Nội nhấn mạnh, bệnh nhân dù được cho là hết triệu chứng cũng không được tự ý dừng thuốc. Bác sỹ Thu cho biết, thuốc chống trầm cảm đóng vai trò rất quan trọng trong điều trị bệnh. Bệnh nhân trầm cảm cần uống thuốc liên tục trong thời gian dài (tối thiểu một năm). Nhiều người phải uống thuốc suốt đời.
Đó là bởi thuốc chống trầm cảm không giống như thuốc kháng sinh. Kháng sinh tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh, khi ta cảm thấy bớt bệnh nghĩa là bệnh nhiễm khuẩn đã hết và không cần uống thêm kháng sinh nữa. Còn với thuốc chống trầm cảm không tác dụng như kháng sinh, mà tác dụng tương tự như viên tylenol chống đau đầu. Khi uống, tylenol làm giảm cơn đau, nhưng nguyên nhân gây đau vẫn còn đó và khi ngưng tylenol thì nhức đầu trở lại.
Trong bệnh trầm cảm, nguồn gây bệnh là thay đổi sinh hóa học ở não và thay đổi này kéo dài. Vì thế cần phải uống thuốc chống trầm cảm lâu hơn, dù triệu chứng bệnh đã giảm.
Tự ngưng sẽ tái bệnh
Bác sỹ Thu còn khẳng định: “ Nguyên nhân đưa tới tái phát trầm cảm đều vì ngưng thuốc quá sớm”. Hiện rất khó tiên liệu trước là bệnh nhân nào không tái phát, bệnh nhân nào sẽ tái phát khi ngừng thuốc. Do đó bác sỹ Thu khuyên bệnh nhân nên tiếp tục dùng thuốc từ 6- 9 tháng sau khi đã hết bệnh. Tới lúc này, thay đổi sinh hóa trong não đã trở lại bình thường và người bệnh ít bị tái phát sau khi ngưng thuốc.
Nếu không tiếp tục điều trị thì tỷ lệ tái phát có thể lên tới 25% trong vòng hai tháng đầu và những bệnh nhân nào tiếp tục được điều trị duy trì trong thời gian 2 năm thì tỷ lệ tái phát sẽ thấp hơn so với những bệnh nhân bỏ thuốc. Với các trường hợp trầm cảm kinh niên hoặc trải qua nhiều giai đoạn buồn rầu, cần phải uống thuốc lâu hơn vì ở họ, trầm cảm cũng tương tự như các bệnh mạn tính cao huyết áp, cao đường huyết…
Để bệnh nhân hiểu rõ hơn về việc vì sao phải dùng thuốc kéo dài, bác sỹ Thu giải thích thêm: Hầu hết các thuốc chống trầm cảm có tác dụng làm chậm sự mất mát một vài hóa chất ở não bộ (các chất là serotonin, norepinephrine). Các chất này có công dụng gây hưng phấn tinh thần và nhiều chức năng khác như ăn ngon, ngủ say, suy nghĩ tốt. Ở người bị bệnh trầm cảm, sau khi được sản xuất, hóa chất chưa kịp tác dụng đã bị tế bào lấy lại (reuptake) quá sớm, do đó dẫn truyền tín hiệu thần kinh bị gián đoạn và gây ra tâm bệnh. Thuốc chống trầm cảm nhằm chặn sự lấy lại quá sớm các chất này, tăng serotonin ở não và giúp bệnh nhân giảm cảm giác buồn rầu, thất vọng, chán nản. Nhưng thuốc không có tác dụng ngay, mà phải từ 2-4 tuần lễ sau khi dùng mới thấy hiệu quả. Nếu một loại thuốc có tác dụng tốt mà ngưng quá sớm thì thuốc mất cơ hội chữa bệnh.
Để giảm tác dụng phụ thuốc chống trầm cảm
Buồn nôn: Ðây là tác dụng phụ thường thấy nhất của thuốc và cũng là lý do khiến bệnh nhân muốn ngưng thuốc. Ðể tránh buồn nôn, nên uống thuốc khi no bụng, uống nhiều nước, dùng thêm thuốc chống chất chua bao tử.
Tăng cân: Lên cân có thể là do giữ nước trong cơ thể, không vận động hoặc ăn ngon hơn khi thuốc chống trầm cảm làm bệnh nhân yêu đời hơn. Ðể tránh tăng cân, nên ăn nhiều rau trái cây và các loại hạt; vận động ít nhất 30 phút mỗi ngày. Nên cho bác sỹ biết là đang lên cân để có thể lựa thuốc khác cùng công hiệu mà ít lên cân.
Rối loạn tình dục: Ðể tránh tác dụng ngoại ý này, nên nói với bác sỹ đổi thuốc; uống loại chỉ cần một viên mỗi ngày và lập kế hoạch giao hợp trước giờ uống thuốc. Ðôi khi có thể xin ngưng thuốc một vài ngày trong tuần.
Mệt mỏi, buồn ngủ: Ðể tránh khó chịu, nên ngủ mươi phút vào ban ngày, vận động nhẹ, không lái xe cho tới khi hết mệt mỏi, uống thuốc hai giờ trước khi đi ngủ.
Mất ngủ: Do đó, có thể uống thuốc vào buổi sáng, giảm sử dụng thực phẩm có caffeine, thực tập thư giãn trước khi đi ngủ. Nếu cần, nói với bác sỹ cho uống một chút thuốc an thần vào buổi tối.
Kích động, bồn chồn, lo lắng: Dưới tác dụng của vài thuốc chống trầm cảm, bệnh nhân cảm thấy như có nhiều sinh lực, tinh thần quá kích động, đứng ngồi không yên. Ðể giảm khó khăn này, có thể xin bác sỹ cho thuốc an thần một thời gian ngắn và tập thiền định, thư giảm tâm hồn.
Táo bón: Nên uống nhiều nước, ăn nhiều rau trái cây, vận động cơ thể đều đặn. Nếu cần, uống thuốc làm mềm phân.