Có nhiều loại dị ứng khác nhau nhưng dị ứng với kim loại, cá, bụi, điều hòa… là những dạng ngày càng phổ biến và nhiều người mắc phải nhưng nguy hiểm không nên chủ quan.
Dị ứng là phản ứng tiêu cực của hệ miễn dịch với một số chất, hóa chất, thực phẩm… xâm nhập vào cơ thể với những biểu hiện đa dạng do đặc điểm cơ địa từng người.
Có nhiều loại dị ứng khác nhau nhưng dị ứng với kim loại, cá, bụi, điều hòa… là những dạng ngày càng phổ biến và nhiều người mắc phải nhưng nguy hiểm không nên chủ quan.
Các dạng dị ứng thường gặp
Dị ứng với nickel: Nickel là một kim loại được tìm thấy trong nhiều mặt hàng ngày nay, chẳng hạn như điện thoại di động, dụng cụ nhà bếp không dính, đồ trang sức, vật dụng cá nhân (như chìa khóa, túi xách, thắt lưng…), thức ăn (những thức ăn giàu nickel như coca, socola, hạt điều, ca cao, đậu đỏ…). Khi bị dị ứng với kim loại nickel, người bệnh có các biểu hiện cấp tính gây ngứa dữ dội, đỏ da tại vùng tiếp xúc như cổ tay, thắt lưng, bụng, quanh rốn… Nếu ở giai đoạn mạn tính, da vùng tiếp xúc trở nên dày, khô, bong vảy, tăng sắc tố.
Dị ứng theo mùa: Phản ứng dị ứng này xảy ra khi hệ miễn dịch xác định một chất trong không khí có thể gây hại cho cơ thể, từ đó phóng thích một số chất histamine và các hóa chất khác vào máu. Mỗi mùa trong năm đều có những tác nhân gây dị ứng riêng, theo Hiệp hội hen suyễn và dị ứng Hoa Kỳ thì cỏ chính là thủ phạm gây dị ứng trong mùa hè, mùa thu là hoa cúc vàng. Khi bị dị ứng theo mùa có thể nặng hoặc nhẹ với các triệu chứng giống như cúm và các bệnh về hô hấp như chảy nước mũi, nghẹt mũi, ngứa, chảy nước mắt, ù tai, nhức đầu, khó thở, thở khò khè…
Các tác nhân dễ gây dị ứng
Dị ứng cây thường xuân độc: Cây thường xuân độc (poison ivy) có thể mọc ở bất cứ đâu dưới dạng dây leo quấn quanh các cây lớn, có lá kép gồm 3 lá đơn gộp lại. Thường xuân độc gây dị ứng khi da tiếp xúc với nhựa của cây từ thân và lá do có chứa một hợp chất gọi là urushiol với biểu hiện đỏ da, ngứa dữ dội, sưng, nổi mụn nước… và có thể lây lan sang các vùng da khác do gãi, chà xát hay tiếp xúc với đồ dùng, vật nuôi… có dính nhựa cây.
Dị ứng kháng sinh: Bất kỳ ai cũng có thể bị dị ứng với bất kỳ loại thuốc nào, tuy nhiên, dị ứng kháng sinh lại thường gặp nhất với biểu hiện phát ban, sốt. Các kháng sinh gây dị ứng nhiều nhất là penicillin và amoxicillin. Phản ứng dị ứng kháng sinh có thể xảy ra ngay sau khi uống thuốc nhưng cũng có thể xảy ra sau vài giờ, thậm chí vài ngày hoặc hàng tuần sau. Trong trường hợp này, điều đáng lo ngại là người bệnh không biết mình bị dị ứng và tiếp tục dùng thuốc càng làm cho tình trạng trở nên trầm trọng hơn.
Dị ứng với cá: Hiện nay, do ô nhiễm nước biển, các hóa chất bị cá ăn, ngấm vào thịt cá nên khi ăn phải những loại cá này có thể gây ra các triệu chứng phát ban và dị ứng hô hấp. Do đó, khi bị dị ứng với loài cá nào thì bạn không nên ăn chúng trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù ở nhà hay khi ăn ở nhà hàng để tránh các phản ứng dị ứng, có thể nguy hiểm đến sức khỏe.
Dị ứng bụi và dị ứng điều hòa: Khi tình trạng ô nhiễm ngày càng tăng, dị ứng bụi trở nên rất phổ biến, gây ra các triệu chứng dị ứng như hắt hơi, chảy nước mũi, chảy nước mắt, ngứa, rát cổ họng, viêm kết mạc, hen phế quản… Các triệu chứng của dị ứng với bụi thường phát triển ngay sau khi tiếp xúc nhưng cũng có thể xảy ra trong một vài giờ sau.
Khi bị dị ứng với điều hòa, người bệnh thường khởi phát các biểu hiện da bị tróc vảy, mọc nhiều mụn nhỏ, ngứa rất khó chịu mỗi khi bước vào môi trường có điều hòa.
Cách xử trí khi bị dị ứng:
Mỗi người có cơ địa khác nhau nên sẽ bị dị ứng với những dị nguyên khác nhau. Do đó, khi có biểu hiện dị ứng như phát ban da, ngứa dữ dội, nghẹt mũi, chảy nước mũi… thì điều đầu tiên cần thực hiện là tìm nguyên nhân và biện pháp tốt nhất là ngừng ngay sự tiếp xúc với căn nguyên này để ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng. Khi dị ứng, người bệnh không nên dùng các loại kem và xà phòng không chứa chất khử khuẩn để hạn chế phản ứng gây dị ứng. Nếu tổn thương dị ứng nặng cần đến chuyên khoa da liễu để được thăm khám và điều trị càng sớm thì bệnh càng dễ chữa, nếu để lâu bệnh sẽ càng nặng, thời gian điều trị kéo dài. Đối với mỗi dạng dị ứng sẽ có biện pháp điều trị và ngăn ngừa tái phát riêng chẳng hạn phụ nữ có làn da nhạy cảm với niken ngoài việc tránh tái tiếp xúc với đồ vật có chứa kim loại này thì có thể dùng thuốc kháng histamin từ 6-8 tháng để làm giảm độ nhạy cảm hay bổ sung thêm axit folic để tăng cường khả năng miễn dịch ở người thường bị dị ứng theo mùa.