Biểu hiện dị ứng hải sản cũng rất đa dạng và xảy ra nhanh chóng sau ăn khoảng vài giờ, thậm chí vài phút. Tùy vào mức độ hay loại hải sản mà người bệnh ăn phải cũng như sự tiếp nhận của cơ địa mỗi người mà mức độ dị ứng khác nhau.
Dị ứng hải sản là tình trạng nhiều người gặp phải khiến cơ thể ngứa ngáy, nổi mụn, phát ban… Khi không được xử trí kịp thời, dị ứng có thể nguy hiểm tính mạng.
Một cốc nước gừng nóng có thể làm giảm triệu chứng khi bị dị ứng hải sản. Ảnh minh họa
Khốn khổ vì dị ứng hải sản
Mới đây, bé Bin 2 tuổi, con chị Phạm Minh Tâm (ở Thanh Xuân, Hà Nội) đã bị dị ứng khi ăn hải sản trong lúc cả nhà đang đi biển nghỉ mát khiến cả gia đình phải bồng bế nhau về Hà Nội để đưa con đi khám. Hôm đi biển, mẹ Bin thấy tôm tươi ngon nên bóc tôm rồi cho con ăn trực tiếp. Khoảng nửa giờ đồng hồ sau khi ăn, khắp thân mình, chân tay bé Bin đều mọc ban dị ứng đỏ và dày, ấn vào có cảm giác bì bì, mềm mềm và bé có kêu đau bụng. Đi khám, các bác sĩ cho biết, cháu đã bị dị ứng thức ăn mà cụ thể là dị ứng hải sản mức độ trung bình. Sau khi uống kháng sinh và bôi thuốc sau cả tuần, cháu mới khỏi.
BS Lê Thị Hải, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho rằng, hải sản là nhóm thức ăn gây dị ứng nhiều nhất trong số các trường hợp bị dị ứng thực phẩm. Nhiều loại hải sản có thể gây dị ứng như: Cua, tôm, ghẹ, cá nhám, cá ngừ, sò, mực, ốc… Đã có rất nhiều trường hợp sau khi ăn bị dị ứng, thậm chí ngộ độc.
Dị ứng hải sản phần lớn xảy ra ở những người thiếu chất kháng histamin tự do. Khi được hấp thụ vào cơ thể từ một số hải sản như tôm, cá, bạch tuộc… histamin sẽ được phóng thích gây ra các biểu hiện dị ứng. Trẻ nhỏ hay những người có cơ địa nhạy cảm rất dễ bị dị ứng thức ăn nói chung, hải sản nói riêng. Khác với người lớn dị ứng thức ăn có thể biểu hiện ở cả đường tiêu hóa, da, còn ở trẻ đôi khi chỉ biểu hiện duy nhất ở đường tiêu hóa nên nhiều cha mẹ chủ quan, nhầm lẫn với rối loạn tiêu hóa.
Biểu hiện dị ứng hải sản cũng rất đa dạng và xảy ra nhanh chóng sau ăn khoảng vài giờ, thậm chí vài phút. Tùy vào mức độ hay loại hải sản mà người bệnh ăn phải cũng như sự tiếp nhận của cơ địa mỗi người mà mức độ dị ứng khác nhau. Nhẹ thì nổi mề đay từng vùng hoặc khắp người, ngứa, người nôn nao khó chịu, mấy giờ sau sẽ lặn. Nặng ngoài nổi ban và ngứa còn phù nề mặt, khó thở, nôn, đau quặn bụng, có cảm giác nóng rát vùng thượng vị, tiêu chảy… thậm chí gây biến chứng phản vệ nguy hiểm như sốc, mạch đập nhanh. Nếu không được thải độc kịp thời có thể nguy hiểm tính mạng.
Cách đơn giản giải quyết dị ứng hải sản
Theo ThS.BS Đông y Hoàng Khánh Toàn (Bệnh viện 108) khi biết dị ứng, ngộ độc hải sản trước hết, cần loại trừ chất độc ra khỏi cơ thể càng sớm càng tốt, nhất là sau bữa ăn 1-2 giờ bằng cách gây nôn.
Bên cạnh đó, có thể áp dụng biện pháp sơ cứu như uống nhiều nước, những bài thuốc dân gian để trị bệnh như cho uống nước cam, chanh, trà gừng hoặc dùng gừng kết hợp với đậu xanh, lá tía tô để nấu ăn cũng rất tốt sẽ giúp trung hòa bớt độc tính. Dùng lá tía tô tươi 50g sắc với 3 bát nước lấy 1 bát uống trong ngày. Hoặc dùng rau diếp cá và lá tía tô mỗi thứ 50 g sắc uống cũng cho kết quả tương tự với trường hợp ngộ độc cá, tôm, sò, ốc… Ngoài ra, có thể dùng nước sắc lá sim, lá ổi, núm hoa chuối tiêu, vỏ măng cụt… sao vàng sắc đặc cho uống.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, trong trường hợp dị ứng hải sản có biểu hiện về tiêu hóa như buồn nôn, tiêu chảy… cần cho người bệnh dùng dung dịch oresol để bù nước và điện giải. Tránh dùng thuốc cầm tiêu chảy vì cơ thể đang cần thải trừ độc tố. Thuốc cầm tiêu chảy khiến tác nhân gây bệnh bị thải hồi rất chậm làm tình trạng nặng hơn. Phân không được tống xuất ra ngoài, ứ lại trong ruột sinh đầy hơi, trướng bụng, nôn nhiều…
Để tránh bị dị ứng hải sản, những người đã bị dị ứng với một loại hải sản nào đó nên tránh ăn lại và loại trừ tất cả những món ăn mà thành phần có loại hải sản này. Chẳng hạn, biết mình thường bị dị ứng khi ăn tôm, tốt nhất là không nên ăn tôm và các thực phẩm xào nấu có tôm. Khi đã bị dị ứng với một loại hải sản cũng nên thận trọng khi ăn các đồ biển khác vì có thể bị dị ứng chéo. Nên ăn từ từ ít một, nếu có các biểu hiện dị ứng phải ngừng lại ngay.
Không nên sử dụng bừa bãi các loại thuốc chống dị ứng mà chưa có chỉ định của bác sĩ, nhất là với phụ nữ mang thai bị dị ứng. Cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa. Dựa vào kết quả thăm khám lâm sàng, xét nghiệm và hỏi han cặn kẽ những thông tin cần thiết, bác sĩ sẽ quyết định có cho dùng thuốc hay không. Nếu có sẽ chọn loại thuốc ít gây nguy hại cho người mẹ và thai nhi.
Khi đã bị dị ứng, cơ thể nổi mề đay, mẩn ngứa… cần lưu ý tránh tắm, lau người bằng nước nóng mà nên đắp nước lạnh lên chỗ ban mọc vì nhiệt độ cao rất dễ khiến tình trạng phát ban nặng thêm. Nên mặc quần áo rộng, thoáng mát, nghỉ ngơi hợp lý. Người bệnh không được uống rượu bia hoặc tiếp tục cuộc nhậu vì có thể làm cho rối loạn phản ứng tuần hoàn. Người bệnh cũng không nên dùng thực phẩm giàu đạm, giàu béo, giàu chất tanh khi mà dị ứng thức ăn chưa khỏi. Vì những thực phẩm này vô cùng giàu tính kháng nguyên, tức là chứa những yếu tố tiềm năng gây ra đáp ứng miễn dịch cấp tính.
Nếu dị ứng nặng xảy ra sốc phản vệ sau khi ăn 5-15 phút như thấy nghẹt thở, tay chân lạnh, da nhợt nhạt, toát mồ hôi, huyết áp tụt, mất tri giác… cần gọi xe cấp cứu. Trong khi chờ xe cấp cứu cần đặt bệnh nhân nằm tư thế chân cao hơn đầu, hô hấp nhân tạo, xoa bóp tim ngoài lồng ngực, khẩn cấp chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để cứu chữa.
Lưu ý khi ăn hải sản để hạn chế dị ứng, ngộ độc
– Không nên ăn các loại hải sản đã chết hoặc chế biến không đảm bảo do loại thức ăn này có thể chứa nhiều histamin do nhiễm khuẩn.
– Nên nấu chín các thực phẩm dễ gây dị ứng để hạn chế được tác dụng gây dị ứng.
– Sau khi ăn hải sản không ăn ngay trái cây vì ảnh hưởng đến sự hấp thụ protein, canxi trong hải sản. Hơn nữa lượng tannin trong trái cây kết hợp với protein và canxi tạo thành canxi không hòa tan kích thích đường tiêu hóa gây đau bụng, buồn nôn…
Theo ThS.BS Lê Thị Hải
Hà My