Theo Đông y, hổ phách vị ngọt, tính bình; vào kinh tâm, can và bàng quang. Có tác dụng an thần, trấn kinh, lợi niệu, tán huyết ứ.
Hổ phách còn gọi huyết hổ phách, minh phách, hồng tùng chi. Hổ phách là nhựa cây thông cổ đại bị vùi lấp dưới lớp đất đã lâu năm, bị nén cứng và hóa thạch. Hổ phách là những cục to nhỏ không đều, màu vàng hay vàng đỏ phủ lớp bóng mờ, rất cứng; khi đập vỡ vết vỡ tròn nhẵn, không vị, không tan trong nước, tan một phần trong cồn, ete, clorofoc.
Hổ phách chứa tinh dầu, acid sucxinic, nhựa từ acid sucxinic và một số chất khác (risin, bocneola…). Theo Đông y, hổ phách vị ngọt, tính bình; vào kinh tâm, can và bàng quang. Có tác dụng an thần, trấn kinh, lợi niệu, tán huyết ứ. Chữa tâm thần bất định, hồi hộp, mất ngủ, ngủ hay mê sợ, đi tiểu ra huyết, chữa mụn nhọt lâu lành. Do có màu sắc đẹp và cứng nên hổ phách được làm đồ trang sức; khi chà xát lên da làm nóng tỏa mùi thơm dễ chịu và sinh dòng điện có tác động làm sạch cơ thể và tinh thần thư thái, đem lại niềm vui tự nhiên, làm tăng sự tự tin. Liều dùng: 1,2 – 2,4g. Nên chế thành thuốc hoàn và thuốc viên.
Xin giới thiệu một số bài thuốc có hổ phách:
Trấn tâm, an thần. Trị động kinh, tim hồi hộp, đập mạnh, hay quên, hay ngủ mê, mất ngủ.
Bài 1. Hoàn hổ phách định chí: hổ phách 4g, chu sa 2g, nhũ hương 63g, nhân sâm 12g, phục thần 12g, phục linh 12g, nam tinh 8g, viễn chí 8g, xương bồ 8g. Các vị nghiền mịn, làm hoàn. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 8g, uống với nước đun sôi. Chữa thần chí không yên, người mệt mỏi hay quên.
Bài 2. Hoàn hổ phách thọ tinh: hổ phách 2g, chu sa 2g, nam tinh chế 4g. Các vị nghiền bột mịn, làm hoàn, chia làm 2 lần mà nuốt. Chữa động kinh.
Lợi niệu thông lâm. Trị tiểu ra máu có nóng buốt: hổ phách 2g, trư linh 12g, biển súc 8g, mộc thông 8g. Các vị nghiền chung thành bột mịn, chia làm 2 lần, uống với nước đun sôi còn ấm. Chữa miệng khát, bí tiểu, tiểu ra máu có nóng buốt.
Trừ ứ, giảm đau. Trị máu tụ ứ do thương tích, phụ nữ tắc kinh, bị ứ tụ máu sau khi sinh gây đau bụng, bụng nổi cục, tích tụ lại: hổ phách 2g, đương quy 12g, nga truật 12g, ô dược 12g. Các vị nghiền chung thành bột. Mỗi lần uống 8g, ngày 2 – 3 lần, uống với nước đun sôi còn ấm. Chữa khí huyết bị ngưng trệ, phụ nữ kinh nguyệt không thông.
Kiêng kỵ: Người thể âm hư nội nhiệt và tiểu dắt không uống.
Theo Suckhoedoisong