Mụn nhọt là nhiễm khuẩn mủ cấp và gây hoại tử tổ chức ở nang lông do tụ cầu vàng. Nhọt thường xuất hiện khi thời tiết nóng ẩm và tiếp xúc với môi trường ô nhiễm. Biểu hiện đầu tiên của bệnh là sẩn màu đỏ xuất hiện cấp tính ở nang lông rồi sưng to dần lên và xuất hiện ngòi mủ.
Cháu 30 tuổi, cứ mùa hè là cháu hay bị nhọt, thường chỉ có 1-2 nhọt nhưng rất đau, lúc nhọt ở mông, lúc thì ở bẹn đùi hoặc gáy… Xin hỏi bác sĩ nguyên nhân gây nhọt? Cách xử trí?
Phạm Hồng Thái (hongthai@gmail.com)
Mụn nhọt là nhiễm khuẩn mủ cấp và gây hoại tử tổ chức ở nang lông do tụ cầu vàng. Nhọt thường xuất hiện khi thời tiết nóng ẩm và tiếp xúc với môi trường ô nhiễm. Biểu hiện đầu tiên của bệnh là sẩn màu đỏ xuất hiện cấp tính ở nang lông rồi sưng to dần lên và xuất hiện ngòi mủ. Kích thước của nhọt từ 1-2cm. Tại chỗ nhọt đau nhức, nóng. Nhọt có thể nhỏ nhưng cũng có thể to lan ra xung quanh và sâu xuống dưới da. Nhọt lúc đầu cứng, dần dần mềm rồi nhọt vỡ hoặc dò mủ và có thể để lại sẹo. Mủ vàng đặc, có thể nhìn thấy ngòi mủ bám vào nang lông. Thông thường bệnh nhân chỉ bị 1-2 nhọt nhưng có khi người bệnh bị rất nhiều nhọt. Một số vùng đặc biệt khi bị nhọt rất nguy hiểm như vùng mặt quanh mũi miệng, thường gọi là đinh râu. Có trường hợp nhọt tập trung thành cụm nhiều nhọt và thường hay ở sau lưng nên gọi là hậu bối. Ngoài ra, còn nhọt ổ gà là những nhọt xuất hiện ở nách… Khi bị nhọt nếu chỉ có 1-2 nhọt thì có thể người bệnh không bị sốt. Nhưng nếu bị nhiều nhọt hoặc bị đinh râu hay hậu bối thì người bệnh kèm theo sốt, mệt mỏi… Đặc biệt, nếu sốt cao kèm theo các triệu chứng toàn thân nặng thì cần phải theo dõi có biến chứng nhiễm khuẩn huyết hay viêm tắc tĩnh mạch xoang hang.
Cách xử trí: Khi nhọt mới xuất hiện có thể bôi dung dịch betadine nhiều lần, sử dụng các thuốc sát khuẩn khác như chlorhexidine, clindamycin, milian, castellani, các mỡ kháng sinh bôi. Trường hợp nhọt nặng, nhiều và có nguy cơ biến chứng nhiễm khuẩn lan rộng cần sử dụng kháng sinh toàn thân và chích nhọt khi đã “chín” tại cơ sở y tế.