Thực tế, không ít bệnh nhân sau khi đã khỏi hết các triệu chứng thường không muốn điều trị tiếp và bỏ thuốc. Trong khi đó mục đích của việc điều trị duy trì là nhằm ngăn chặn tái phát bệnh, đặc biệt là trên những đối tượng có các yếu tố nguy cơ cao như: bệnh nhân có nhiều giai đoạn bị trầm cảm, có ý tưởng hành vi tự sát, có triệu chứng loạn thần…
Giống như tên gọi, thuốc chống trầm cảm là những dược phẩm được dùng để chữa bệnh buồn rầu, lo âu, mệt mỏi, chán nản và một vài tâm bệnh khác.
Hiện nay có hơn 30 loại thuốc chống trầm cảm và chúng đều có hiệu quả ngang nhau. Theo báo cáo của Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Bệnh Hoa Kỳ, thuốc chống trầm cảm hiện nay được các bác sĩ kê toa cho bệnh nhân nhiều hơn là thuốc trị cao huyết áp, cholesterol cao, hen suyễn, nhức đầu; nó chiếm tới gần 50% tổng lượng thuốc tiêu thụ hàng năm. Có người cho rằng đây là dấu hiệu tốt, vì bệnh nhân đã ý thức được tâm bệnh của mình và mạnh dạn tìm cách điều trị.
Ảnh minh họa
Thuốc “vui vẻ” này có tác dụng tăng chất dẫn truyền thần kinh serotonin, norepinephrine và dopamine ở não bộ và được uống một lần hoặc nhiều lần trong ngày. Thuốc rất hữu hiệu để giúp người bệnh cảm thấy phấn khởi, yêu đời và trở lại với sinh hoạt thường nhật. Các chất serotonin và norepinephrine của thuốc này có công dụng gây hưng phấn tinh thần và nhiều chức năng khác như ăn ngon, ngủ say, suy nghĩ tốt…
Tuy nhiên có một điều đáng lưu ý là, khi các triệu chứng của bệnh đã khỏi thì bệnh nhân vẫn phải tiếp tục uống thuốc. Bởi, trầm cảm là bệnh do thay đổi sinh hóa học ở não và thay đổi này kéo dài. Bệnh nhân trầm cảm phải dùng lâu dài, bao gồm những giai đoạn tấn công và điều trị duy trì. Thời gian điều trị tấn công thường kéo dài từ 6-12 tuần, sau đó phải tiếp tục điều trị duy trì khi những triệu chứng của trầm cảm đã hết hoàn toàn trong khoảng 16-20 tuần nữa.
Thực tế, không ít bệnh nhân sau khi đã khỏi hết các triệu chứng thường không muốn điều trị tiếp và bỏ thuốc. Trong khi đó mục đích của việc điều trị duy trì là nhằm ngăn chặn tái phát bệnh, đặc biệt là trên những đối tượng có các yếu tố nguy cơ cao như: bệnh nhân có nhiều giai đoạn bị trầm cảm, có ý tưởng hành vi tự sát, có triệu chứng loạn thần…
8 tác dụng phụ khó tránh của thuốc đẩy lùi trầm cảm
Mặc dù được đánh giá có hiệu quả cao trong điều trị bệnh, nhưng thuốc chống trầm cảm lại có nhiều tác dụng phụ. Do đó, bệnh nhân nên biết để cố gắng thích nghi trong quá trình điều trị bệnh.
1. Buồn nôn
Ðây là tác dụng phụ thường thấy nhất của thuốc chống trầm cảm và cũng là lý do khiến bệnh nhân ngưng thuốc. Ngay tuần lễ đầu sau khi uống thuốc là buồn nôn đã xảy ra. Nhưng khó khăn này cũng qua đi sau khi uống thuốc vài tuần hoặc khi cơ thể quen với thuốc.
Ðể tránh buồn nôn, nên uống thuốc khi no bụng, uống nhiều nước, dùng thêm thuốc chống chất chua bao tử. Nếu có thể, uống loại thuốc tan chậm. Bạn nên thông báo ngay cho bác sĩ khi có tác dụng phụ này.
2. Tăng cân
Thực tế cho thấy, có rất nhiều bệnh nhân có cảm giác ăn ngon miệng và tăng cân sau khi uống thuốc một thời gian. Có thể bạn tăng cân là do giữ nước trong cơ thể, không vận động hoặc ăn ngon hơn khi thuốc chống trầm cảm làm bệnh nhân có tâm lý vui vẻ.
Ðể tránh tăng cân, nên ăn uống lành mạnh, nhiều rau trái cây và các loại hạt; giảm chất ngọt, chất béo; vận động ít nhất 30 phút mỗi ngày. Mỗi người hợp với một loại thuốc chống trầm cảm khác nhau do đó bạn nên cho bác sĩ biết là bạn đang lên cân để có thể lựa thuốc khác cùng công hiệu mà ít tăng cân.
3. Rối loạn tình dục
Một trong những triệu chứng mà bệnh nhân có thể gặp phải là: loạn cương dương, chậm xuất tinh, giảm khoái cảm và có thể kéo dài trong suốt thời gian dùng thuốc. Nhóm SSRI (Prozac, Paxil) thường gây ra rối loạn này nhiều hơn, đặc biệt là bệnh nhân cảm thấy chậm hoặc không có khoái cảm.
Ðể tránh tác dụng phụ không mong muốn này, bạn nên nói với bác sĩ đổi thuốc; uống loại chỉ cần một viên mỗi ngày và lập kế hoạch sinh hoạt vợ chồng trước giờ uống thuốc; hoặc xin bác sĩ kê thêm thuốc chữa rối loạn chức năng tình dục.
4. Mệt mỏi, buồn ngủ
Bạn phải đối diện với tình trạng này ngay tuần đầu tiên khi bắt đầu uống thuốc chống trầm cảm. Ðể tránh khó chịu, nên ngủ một lúc vào ban ngày, vận động nhẹ, không lái xe cho tới khi hết mệt mỏi, uống thuốc hai giờ trước khi đi ngủ.
5. Mất ngủ
Ngược lại với một vài loại thuốc chống trầm cảm gây buồn ngủ thì có một vài loại khác lại gây mất ngủ do chúng có tác dụng kích thích thần kinh, làm cho con người tỉnh táo và khó ngủ hoặc thức dậy ban đêm, mệt mỏi ban ngày.
Trong trường hợp này bạn có thể uống thuốc vào buổi sáng, giảm sử dụng thực phẩm có caffein, vận động thư giãn trước khi đi ngủ để giấc ngủ ngon hơn.
6. Khích động, bồn chồn, lo lắng
Dưới tác dụng của vài loại thuốc chống trầm cảm, bệnh nhân cảm thấy như có nhiều sinh lực, tinh thần quá kích động, đứng ngồi không yên. Lâu ngày, bệnh nhân sẽ luôn luôn căng thẳng, mệt mỏi. Ðể hạn chế tác dụng phụ này, bạn có thể uống thuốc an thần một thời gian ngắn, tập yoga hay thư giãn bằng cách xem phim hài, đi dạo.
7. Khô miệng
Đôi khi bạn sẽ cảm thấy khó chịu vì lúc nào cũng cảm giác khát nước như đang ở xa mạc. Trong trường hợp này, bạn có thể khắc phục bằng cách nhấm nháp một chút nước, ngậm viên đá cục, ăn kẹo cao su không đường, ăn các loại quả mọng.
8. Táo bón
Đây là tác dụng không mong muốn của loại thuốc chống trầm cảm 3 vòng làm rối loạn hệ tiêu hóa và gây ra táo bón. Bạn nên uống nhiều nước, ăn nhiều rau trái cây có chất xơ, vận động cơ thể đều đặn. Nếu cần, uống thuốc làm mềm phân để dễ đi vệ sinh.