Thực chất các loại thuốc nhỏ, xịt chỉ để giảm triệu chứng khó chịu tức thời, chúng không phải thuốc để trị bệnh, không điều trị tận gốc nguyên nhân gây ngạt mũi. Ngạt mũi là triệu chứng khi bị viêm làm cuốn mũi to ra chèn ép khe thở.
Lần đầu nhỏ hoặc xịt thuốc, bệnh nhân thường cảm giác thông thoáng nhanh chóng, để rồi cứ nghẹt là xịt, nhỏ. Và cũng từ đó dẫn họ rơi vào vòng luẩn quẩn, ngày càng không thể thở được.
Không thể khỏi bệnh bằng nhỏ, xịt
Thời tiết sang mùa đông, không khí trở nên khô, lạnh, môi trường ngày càng có nhiều bụi dẫn đến tình hình bệnh tai mũi họng gia tăng. Cảm lạnh, cảm cúm vào mùa khiến nhiều người sụt sịt, sổ mũi, nghẹt mũi. Chính vì thế không ít người thủ sẵn trong túi những lọ nhỏ, xịt chống nghẹt và cứ hễ thấy khó chịu là dùng. Ngửa cổ lên nhỏ, xịt một ít dung dịch thuốc xong nhiều người thấy “khoái” và ngỡ đó là “thần dược” tác dụng nhanh chóng tức thời.
Giá thành những sản phẩm xịt, nhỏ mũi lại rất rẻ (thường là dưới 10.000đ/lọ), không kê toa nên nhiều người càng thấy tiện lợi, càng ham dùng. Cuối cùng nhiều người bị nghẹt mũi tái phát liên tục suốt mùa và mắng nhà sản xuất “dạo này cái gì cũng đểu, thuốc bây giờ cũng đểu hơn trước”.
Còn bác sĩ, các phòng khám, bệnh viện phải tiếp nhiều bệnh nhân kể lể, phân bua: “Tôi rất chú ý tới sức khỏe, dùng thuốc nhỏ mũi ngay từ khi mới có triệu chứng vậy mà bệnh tình không khỏi”. Họ không biết rằng sự “chú ý” ấy đã vô tình làm khó bản thân và làm khó quá trình điều trị của bác sĩ.
Thực chất các loại thuốc nhỏ, xịt chỉ để giảm triệu chứng khó chịu tức thời, chúng không phải thuốc để trị bệnh, không điều trị tận gốc nguyên nhân gây ngạt mũi. Ngạt mũi là triệu chứng khi bị viêm làm cuốn mũi to ra chèn ép khe thở.
Cơ chế của các loại thuốc nhỏ, xịt mũi là làm co mạch nên giúp thông thoáng, dễ thở chứ không trị được viêm mũi, cảm cúm. Việc nhầm tưởng dùng thuốc có thể khỏi bệnh đã gây ra tình trạng dùng bừa bãi tràn lan và ngày càng giảm tác dụng, khiến nhiều người “bỗng dưng” tốn thêm tiền triệu chỉ vì… chịu khó dùng thuốc.
Thuốc nhỏ, xịt – càng dùng càng ngạt
Trên thực tế, không ít bệnh nhân bị viêm mũi lại chính là vì dùng thuốc nhỏ xịt chống ngạt do viêm mũi. Nguyên nhân là thuốc được dùng lâu sẽ làm giảm tính đàn hồi mạch máu trong niêm mạc, tăng độ chai lỳ, làm hư màng nhầy gây giãn mạch khiến sưng phù nề trở lại. Chính vì thế, nhiều người có hiện tượng lần thứ thứ nhất chỉ cần nhỏ 2, 3 lần mà ngày hôm sau phải tăng dần số lần sử dụng và lượng thuốc dùng trong một lần
Khi đã bị viêm do thuốc thì bệnh càng khó khỏi, bệnh nhân lệ thuộc, phải có thuốc mới thở được. Một số người còn bị mất giảm cảm giác ngửi mùi. Bệnh nhân bị viêm mũi do thuốc thì việc điều trị nội khoa không hiệu quả mà phải tiến hành đốt laser hoặc phẫu thuật cắt cuốn mũi, rất phức tạp.
Thuốc co mạch cũng tạo phản ứng co mạch não nên dùng tùy tiện dễ gây ra cao huyết áp. Còn nhóm thuốc có chứa corticoid thì càng dễ có biến chứng nặng nề khi lạm dụng có thể gây sốc phản vệ, tăng nguy cơ viêm nhiễm… Trong trường hợp dùng nhiều thì corticoid gây nên tác dụng phụ toàn thân như việc bôi và uống chứ không chỉ ở mũi.
Với trẻ em, nhất là trẻ dưới 7 tuổi, thuốc nhỏ, xịt mũi còn dễ gây nên biến chứng nguy hại hơn. Nhóm thuốc co mạch có thể gây nên choáng và các biến chứng nặng nề sung huyết, ngộ độc, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.
Dùng đúng cách
– Trước khi nhỏ, xịt thuốc cần hút, xì hết chất dịch nhầy ứ đọng trong hốc mũi thì thuốc mới có tác dụng.
– Khi nhỏ mũi, tốt nhất là ở tư thế nằm ngửa, nếu không có điều kiện nằm ngửa thì ngồi và ngửa đầu tối đa.
– Không để đầu ống nhỏ, xịt chạm vào mũi, sau khi nhỏ dùng tay ray vào hai bên mũi hoặc hít nhẹ để thuốc ngấm sâu.
– Nếu khi xịt gây ho, hắt hơi, sặc thì nên ngừng vài phút trước khi xịt tiếp lần hai.
Bệnh nào thuốc đấy
Nghẹt mũi do nhiều nguyên nhân khác nhau, thuốc nhỏ, xịt cũng có nhiều loại khác nhau, nên phải tùy theo nguyên nhân, từng đối tượng mà chọn đúng loại:
Thuốc co mạch (như naphazolin, ephedrin…): Thuốc này không dùng cho trẻ em dưới 2 tuổi và phải chú ý khi dùng cho nhóm tuổi dưới 7. Khi nhỏ chỉ nên dùng hai ngón tay bóp lọ để tránh tình trạng chảy thành dòng, gây quá liều. Mỗi lần dùng không quá ba ngày.
Thuốc sát khuẩn ( thường dùng là argyrol): Đây là sản phẩm chứa nitrat bạc có tác dụng sát khuẩn vừa có tác dụng làm săn niêm mạc và chống xuất tiết nên có thể dùng cho trẻ nhỏ. Thuốc này nếu không được bảo quản đúng cách sẽ thì nitrat bạc bị phân hủy gây nên viêm niêm mạc. Vì vậy thuốc không được tiếp xúc với ánh sáng.
Thuốc kháng viêm (chứa corticoid kết hợp với kháng sinh): Chỉ nên dùng khi bị viêm mũi, viêm xoang nhiễm trùng, thường biểu hiện bằng chảy mũi đặc, màu xanh hoặc vàng, có mùi hôi… Bình thường không tùy tiện dùng thuốc này để chống nghẹt vì tác dụng phụ của kháng sinh và corticoid rất nguy hiểm. Thời gian sử dụng thuốc này không nên quá 7 ngày. Nhóm thuốc này không dùng cho phụ nữ có thai, cho con bú và phải dùng theo chỉ định của bác sĩ.