Với sự ra đời của nhiều thuốc mới, danh sách các thuốc gây độc cho gan ngày càng dài thêm, trong đó phải kể đến các nhóm thuốc như giảm đau hạ sốt, thuốc kháng virút, thuốc kháng lao… Một biểu hiện thuốc gây độc cho gan là làm tăng men gan.
Phần lớn thuốc khi vào cơ thể được chuyển hóa tại gan trước khi được đào thải qua đường mật hoặc qua thận.
Bình thường, thuốc đưa vào cơ thể là chất không độc, nhưng sau khi được chuyển hóa tại gan, một số thuốc trở thành chất gây độc với chính bản thân gan.
Thuốc có thể gây độc cho gan ở các mức độ khác nhau từ nhẹ đến hoại tử rất nặng, bệnh có thể cấp tính nhưng cũng có thể mạn tính. Bệnh thường xuất hiện trong vòng từ 5 – 90 ngày sau khi dùng thuốc, với biểu hiện rất khác nhau từ chán ăn, mệt mỏi cho đến vàng da, nước tiểu vàng, đau tức vùng gan, xuất huyết dưới da, thậm chí có thể xuất hiện xuất huyết tiêu hóa, hôn mê gan, suy gan nặng dẫn đến tử vong. Với sự ra đời của nhiều thuốc mới, danh sách các thuốc gây độc cho gan ngày càng dài thêm, trong đó phải kể đến các nhóm thuốc như giảm đau hạ sốt, thuốc kháng virút, thuốc kháng lao… Một biểu hiện thuốc gây độc cho gan là làm tăng men gan.
Men gan là một loại enzym được gan sản xuất bởi các tế bào gan. Vào thời điểm tế bào gan chết đi do quá trình lão hóa, một lượng men gan nhất định sẽ được giải phóng vào máu với nồng độ dưới ngưỡng không hại. Nhưng nếu có hiện tượng gia tăng lượng men gan quá ngưỡng bình thường (do dùng thuốc gây hại gan chẳng hạn) thì đồng nghĩa với việc sức khỏe lá gan của bạn đang bị đe dọa.
Chán ăn, mệt mỏi có thể là biểu hiện của tăng men gan
Thông thường, có 4 loại men gan: Aspart transaminase (AST) hay còn gọi là SGOT, Alanin transaminase (ALT) hay SGPT, Phosphatase kiềm, Gama glutamyl transpeptidase (GGT).
Dựa trên những nghiên cứu về lượng men gan giải phóng vào máu, một số chỉ số xét nghiệm men gan gọi là bình thường đã được đưa ra như sau: nồng độ AST: 20 – 40 UI/L; nồng độ ALT: 20 – 40 UI/L; nồng độ GGT: 20 – 40UI/L; nồng độ phosphatase kiềm: 30 – 110 UI/L.
Thuốc uống, thuốc tiêm, thậm chí thuốc ngậm hay thuốc bôi ngoài da đều có thể tác động tới gan ở từng mức độ khác nhau
Khi xét nghiệm máu, các trị số trên ngưỡng giới hạn trên, đặc biệt tăng AST và ALT là tăng men gan.
Men gan tăng cao do nhiều nguyên nhân khác nhau như hút thuốc lá, uống rượu bia, bị viêm gan, đặc biệt do dùng một số loại thuốc. Đa phần những thuốc uống, thuốc tiêm, thậm chí thuốc ngậm hay thuốc bôi ngoài da đều có thể tác động tới gan ở từng mức độ khác nhau. Nhiều thuốc có thể gây nên gan nhiễm mỡ, viêm gan cấp, suy gan cấp hoặc viêm gan mạn tính, xơ gan. Đặc biệt, những người đang mắc bệnh gan có nguy cơ ngộ độc gan do thuốc cao hơn. Những trường hợp vừa kể đều tăng men gan, thậm chí tăng rất cao.
Một số thuốc điển hình loại thuốc, khi sử dụng sẽ gây ảnh hưởng xấu đến gan, khiến men gan tăng cao như:
Thuốc giảm đau hạ sốt: aspirin, ibuprofen, naproxen, diclofenac… Đặc biệt là acetaminophen còn gọi là paracetamol, tùy theo liều lượng sử dụng, thuốc này có thể gây độc cho gan. Theo đó, viêm gan cấp xảy ra khi người lớn uống paracetamol với liều lượng trên 4g/ 1 ngày, và kéo dài trong một thời gian. Đối với những người đang bị bệnh gan thì không nên sử dụng quá 2g/ 1 ngày
Thuốc trị động kinh: phenytoin, valproic acid, carbamazepine, phenobarbital.
Kháng sinh: tetracyclin, sulfonamid, isoniazid, sulfamethoxazol, trimethoprim, nitrofurantoin, fluconazole…
Thuốc tim mạch: amiodaron, hydralazin, quinidin…
Một số thuốc kháng lao: rifamycin, isoniazid, pyrazinamid. Chỉ sau vài tuần điều trị lao với isoniazid, men gan tăng khoảng10 – 20%.
Thuốc giảm mỡ máu: atorvastatin, simvastatin, rosuvastatin… có thể làm tăng men gan gấp 3 – 5 lần bình thường và bác sĩ phải cho ngưng dùng thuốc.
Thuốc chống viêm glucocorticoid với liều lượng cao có thể dẫn đến gan nhiễm mỡ. Cơ thể sẽ phục hồi khi ngưng sử dụng glucocorticoid.
Làm thế nào để sử dụng thuốc không hại đến gan của bạn?
Như vậy, trước những tác động làm tăng men gan của thuốc, chúng ta làm thế nào để gan không bị ảnh hưởng xấu? Đầu tiên, đối với người yếu gan hay mắc bệnh gan, tuyệt đối không tự ý mua thuốc về uống. Đối với bệnh nhân mắc đau nhức xương khớp, cần tuân thủ nghiêm ngặt theo đơn thuốc của bác sĩ.
Đặc biệt, khi mắc các bệnh nhiễm khuẩn bạn không nên tự động mua kháng sinh về uống, bởi lẽ, nếu uống với liều lượng bừa bãi kháng sinh có thể dẫn tới tổn thương gan và xuất hiện hiện tượng kháng thuốc. Bệnh nhân cũng không nên tự ý giảm hoặc tăng liều lượng dùng thuốc khi chưa có sự tư vấn của các bác sĩ. Tốt nhất, khi có những biểu hiện bất thường về sức khỏe, bạn nên đến khám tại những cơ sở y tế hoặc bác sĩ uy tín để được chẩn đoán và có phương pháp điều trị đúng cách. Trong khi dùng thuốc, nếu có biểu hiện khác thường thì phải thông báo ngay cho bác sĩ để được kiểm tra và có những biện pháp xử lý kịp thời.